Nuôi Dạy Con

Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ - Kinh Nghiệm Tăng Lượng Sữa Mẹ (Phần 1)

Sinh ba con, nhưng đến bé thứ 3 Hà mới có nhiều sữa để mà nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn (SMHT) – tức là không cần dặm sữa công thức nữa. Chuỗi bài viết này Hà chia sẻ kinh nghiệm tăng lượng sữa mẹ, giúp mẹ có lượng sữa dồi dào dư dả cho bé bú cũng như rất nhiều kiến thức liên quan đến nuôi con bằng sữa mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Cần nói thêm là kiến thức Hà chia sẻ không hề mang tính “đột phá” hay “độc nhất” mà chỉ là sự cô đọng từ kinh nghiệm bản thân kết hợp với kiến thức tham khảo từ khá nhiều nguồn.

1- Da Tiếp Da Với Bé Ngay Khi Mới Chào Đời

Ở Việt Nam mình trước đây chưa phổ biến quy trình da tiếp da, nhưng vài năm gần đây thì khá nhiều bệnh viện lớn bắt đầu quan tâm và áp dụng quy trình này.

Lúc sinh con đầu lòng là bé Mây, Hà chưa biết gì về phương pháp da tiếp da sau sinh, và bệnh viện Từ Dũ năm 2014 cũng chưa áp dụng. Sau khi sinh bé xong là hộ lý ẵm bé đi ngay, vài giờ sau mới mang bé trả về cho mẹ.

Ngay lúc gặp, Hà có cho bé bú mẹ nhưng mãi mà bé nhất quyết không chịu bú. Dù y tá có đến hỗ trợ tập bú thì vẫn chịu thua, bé không chịu hợp tác (không có phản xạ tìm ngậm ti mẹ).

Bé Mây không chịu bú mẹ một phần do không được da tiếp da với mẹ ngay từ đầu (khơi gợi bản năng bú mút).

Do bé không chịu bú mẹ nên sữa non không được kích thích để tiết ra sớm, thế là Hà phải cho bé bú sữa công thức để lót dạ. Chưa được trang bị đủ kiến thức nên Hà đã mắc sai lầm này, bởi thay vì phải để sữa non của mẹ tráng ruột bé, thì khi chào đời bé đã “bị” tráng ruột bằng sữa công thức.

Vì sao nên cho bé bú sữa non trước khi bú sữa công thức?

– Vì sữa non chứa nhiều kháng thể, giúp bé chống chọi lại điều kiện ở môi trường mới, hạn chế bệnh tật

– Sữa non giúp hoàn thiện hệ tiêu hóa, nuôi dưỡng não bộ, mắt mũi miệng cho bé.

– Giúp đào thải độc tố trong cơ thể, nhất là phân su ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng.

– Có thể nói sữa non giống như một lớp màng bảo vệ, hoàn thiện lẫn nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể của bé sau khi rời bụng mẹ. 

Nếu ngay từ khi chào đời bé không được bú sữa non vào lần bú đầu tiên, mà được thay bằng sữa công thức, thì về sau dù có bú sữa non thì tác dụng của sữa non đối với cơ thể bị giảm đáng kể. Sức đề kháng, chất dinh dưỡng từ sữa non cung cấp cho bé không còn trọn vẹn như lúc ban đầu.

Sữa non có từ lúc mẹ mang bầu, trong giai đoạn này tùy từng thể trạng của từng người mà sữa có tiết ra hay không tiết ra (như Hà là lúc mang bầu sữa non chẳng tiết ra bao giờ).

Ngay sau khi sinh bé, sữa non sẽ xuất hiện khi bé bú mút ti mẹ. Bé bú càng nhiều và càng sớm thì sữa non được kích thích tiết ra càng sớm. Sữa non sẽ hết trong 5 hoặc 7 ngày sau khi sinh để thay bằng sữa già (sữa bình thường mà bé sẽ bú cho cả những tháng sau này).

Khi sinh Cao và Du ở bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn thì cả 2 bé đều được da tiếp da với mẹ. Từ lúc sinh ra đến lúc xuất viện là bé không rời mẹ một phút nào.

da tiếp da khi bé mới chào đời

Em Du được da tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh 

Tại sao phương pháp da tiếp da quan trọng?

– Giúp thân nhiệt bé ổn định

– Phát triển não bộ của bé để bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới bên ngoài bụng mẹ

– Ổn định nhịp tim, nhịp thở

– Bé cảm thấy an tâm. Gắn kết tình cảm mẹ con. 

– Và nhất là tăng cường khả năng bú mẹ. Khi bé được tập bú mẹ sớm ở giai đoạn này thì sữa non của mẹ mới được kích thích để về sớm tráng ruột cho bé.

Em Cao và em Du được sữa non của mẹ tráng ruột, nên sau này hệ tiêu hóa có vẻ tốt hơn chị Mây lúc cùng tháng tuổi, và ít bệnh vặt hơn Mây.

Video này minh họa rất rõ về quy trình da tiếp da ngay sau khi sinh bé (có thuyết minh tiếng Việt nên các mẹ mở loa lên nhé!)

 

2 – Khớp Ngậm Đúng - Tiền Đề Giúp Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Thành Công

Rất nhiều mẹ nghĩ rằng chỉ cần trẻ ngâm được ti mẹ và mút là sẽ nhận được lượng sữa như nhau. Thực tế là trong đa số trường hợp, cách ngậm ti của trẻ nhận được khá ít sữa. Nhưng có một cách ngậm sẽ giúp sữa ra đều và nhiều, gọi ngắn gọn là “khớp ngậm đúng”.

Khớp ngậm đúng được xem là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để kích thích việc tiết sữa được thuận lợi, từ đó cơ thể mẹ tạo nhiều sữa hơn.

Nếu bé bú mẹ sai cách, bé sẽ không nhận được đầy đủ lượng sữa có trong vú mẹ. Khi bé nhận ít sữa, cơ thể phát tín hiệu lên não mẹ là nhu cầu của bé không nhiều, thế là cơ thể tự động giảm sản xuất sữa.

Cũng vì bé ngậm bú sai cách mà lượng sữa mẹ tạo ra không được thoát ra ngoài hoàn toàn, bị ứ lại bên trong có thể dẫn đến tắc sữa, viêm vú, thậm chí bị áp xe vú phải đi mổ (chưa kể là khá đau đớn và mệt mỏi ạ).

Khớp ngậm đúng

Trước đây Hà không quan tâm lắm đến khớp ngậm của bé mà chỉ nghĩ đơn giản là cho bé ngậm vú mẹ thì bé sẽ tự mút được sữa mà thôi.

Những thông tin về khớp ngậm đúng trong các tài liệu ở Việt Nam hiện nay chưa được trực quan lắm, nặng về lý thuyết nên rất khó để người đọc hình dung và làm theo (kể cả những tài liệu về sữa mẹ phổ biến trên mạng). Ở bệnh viện Hà cũng chưa từng được hướng dẫn về khớp ngậm đúng.

Video này hướng dẫn rất chi tiết về Khớp Ngậm Đúng, vô cùng dễ hiểu và rõ ràng (có thuyết minh tiếng Việt nên các mẹ nhớ mở loa ạ) 

 

3 – Cho Bé Bú Mẹ Càng Nhiều Càng Tốt

Giai đoạn nuôi hai chị em Mây Cao, Hà cũng cho các bé bú mẹ, nhưng lúc đó Hà chỉ nghĩ là khi ngực căng, to hoặc cảm giác “rần rần” thì mới có sữa. Lúc ngực mềm thì ít sữa.

Thế nên Hà toàn đợi ngực căng mới cho bé bú, lúc ngực mềm sợ không đủ sữa, bé bú không đủ no nên Hà cho bé bú sữa công thức.

Và chính việc không cho bú thường xuyên này, càng khiến cho sữa mẹ ngày càng ít đi. Trong 2 lần sinh đầu, nhiều khi Hà tự an ủi rằng “cơ địa mình không đủ sữa cho con bú, chứ mình đã cố gắng lắm rồi”, thế là lại càng dặm nhiều sữa công thức vào cho bé không bị đói.

Chưa kể Hà còn có tâm lý “để dành” sữa nữa. Ví dụ vào buổi chiều, bé muốn bú, thay vì cho bé bú mẹ thì Hà lại nghĩ “bây giờ cho bé uống sữa công thức đi, để dành sữa mẹ lát tối cho bé ngậm ti ngủ luôn”. Hà không biết rằng cơ thể mẹ hoàn toàn có thể sản xuất sữa liên tục theo nhu cầu của bé. Hà cứ sợ rằng giờ bé bú thì sữa sẽ hết, lát sau bé cần sẽ không đủ nữa.

Với bé thứ 3 (em Du), Hà cho bé bú mọi lúc bé cần, bất kể ngực căng hay mềm, to hay nhỏ. Và do cho bé bú liên tục như vậy, nên lúc nào Hà cũng có sữa đáp ứng cho bé bất kể giờ giấc.

Các mẹ xem video hướng dẫn cách cho bé bú đúng cách để tăng lượng sữa mẹ. Có thuyết minh tiếng Việt nên các mẹ mở loa nghe nhé!

Và Hà cũng phát hiện ra điều thú vị, là dù cho cảm giác ngực nhỏ, ngực mềm thì vẫn có sữa ngon lành. Tức là bình thường ngực vẫn mềm, nhưng khi bé bú là sữa sẽ lập tức xuống rần rần và ngực căng lên.

Ngực mềm thường xuyên cũng tốt, không dễ bị tắc nghẽn lại gây đau đớn khó chịu.

Thế nên các mẹ dù ngực nhỏ, ngực mềm thì cũng đừng lo là sẽ không đủ sữa cho bé. Chỉ cần các mẹ cho bé bú thường xuyên, liên tục thì sữa sẽ về nhiều thôi ạ.

Phần 2: Các tư thế cho bé bú; Sữa mẹ đặc – loãng, Sữa mẹ thơm – hôi, Sữa mẹ nóng – mát; Thực phẩm tăng lượng sữa mẹ; Cách hút sữa và bảo quản sữa mẹ… 

Phần 3: Cách hút được nhiều sữa; bảo quản sữa mẹ đúng cách; hạn chế đau bầu ngực; khắc phục nứt đầu ti

[Bản quyền video trong bài viết thuộc về Global Health Media Project ạ]

Iu các chị, xx

Bài viết này của LamdepcungHa.com

PS. Các chị đừng quên để lại bình luận bên dưới nhé!

 

Để lại bình luận
(0) bình luận cho Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ - Kinh Nghiệm Tăng Lượng Sữa Mẹ (Phần 1)
Về Hà - Liên Hệ

Hà quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, cuộc sống cá nhân như thế nào, tại sao Hà lập website này, liên hệ với Hà như thế nào...

Đăng ký nhận bản tin khuyến mãi
  • NAM
  • NỮ
Kết bạn với hà trên facebook