Nuôi Dạy Con

Tư Thế Cho Bé Bú - Thực Phẩm Lợi Sữa - Sự Thật Về Sữa Mẹ Nóng Mát, Sữa Mẹ Thơm Hôi (Phần 2)

Hà chia sẻ tiếp về tư thế cho bé bú đúng để mẹ và bé đều thoải mái. Thực phẩm lợi sữa hiệu quả. Làm sao biết bé bú mẹ đủ hay chưa. Và thực hư về sữa mẹ đặc - loãng, sữa mẹ nóng - mát, sữa mẹ thơm - hôi…

Kinh nghiệm cho bé bú đúng cách và biết bé bú đủ

Mẹ Hà và em Du lúc 6 tuần tuổi

4- Tư Thế Cho Bé Bú

Tư thế cho bé bú rất quan trọng để cả mẹ và bé đều cảm thấy thoải mái.

Mẹ bế đúng tư thế bé sẽ cảm thấy dễ chịu, nắm bắt ti mẹ tốt, bé bú được nhiều sữa hơn và thấy an tâm khi nằm vào lòng mẹ.

Hồi Hà sinh Mây đầu lòng, do nghe một số diễn đàn đồn rằng “cho bé bú nằm sẽ khiến sữa chảy vào tai bé gây viêm tai giữa”, thế là Hà sợ quá chẳng dám nằm cho bé bú. Hà luôn cho bé bú ngồi cả ngày lẫn đêm, mệt mỏi vô cùng.

Sau này tìm hiểu kĩ hơn Hà mới biết là việc cho bé bú nằm không hề nguy hiểm như lời đồn thổi, nên Hà bắt đầu nằm cho bé bú, rồi Hà thích luôn cách cho bú nằm này.

Việc cho bé bú đúng và thay đổi nhiều tư thế khác nhau cũng giúp mẹ cảm thấy thoải mái, không bị đau lưng, mỏi tay, mỏi cổ… và cũng nhằm khai thông mọi tuyến sữa trong bầu vú mẹ, hạn chế tình trạng tắc tia sữa.

Các mẹ xem video dưới đây để tham khảo các tư thế cho bé bú và áp dụng đúng kĩ thuật nhé (có thuyết minh tiếng Việt)

 

5 – Thực Phẩm Lợi Sữa

Thực phẩm lợi sữa cũng chỉ hỗ trợ một phần. Quan trọng nhất để có sữa vẫn là mẹ cần uống thật nhiều nước.

Người bình thường trung bình cần 2 lít nước/ngày, thì mẹ nuôi bé sẽ phải cần nhiều nước hơn nữa để đủ tạo sữa cho bé.

Dù cho mẹ có ăn nhiều đồ tẩm bổ thế nào, mà uống ít nước thì lượng nước cũng sẽ không đủ để tạo ra nhiều sữa đâu ạ.

Các mẹ cứ uống tầm 3-4 lít nước/ngày ạ. Để chắc chắn là mình uống đủ, thì các mẹ nên có mua chai đựng nước có ghi dung tích rõ ràng, sẽ dễ canh hơn.

Tuy nhiên, trong một số thời điểm thì thực phẩm lợi sữa vẫn có tác dụng giúp sữa nhanh về hoặc về nhiều. Các mẹ có thể thử vài loại, và tùy cơ địa mà các mẹ lựa chọn món thích hợp nhất với mình.

Hà cũng đã thử khá nhiều loại thực phẩm lợi sữa. Hai lần sinh đầu Hà tích cực ăn móng giò heo hầm, trà lợi sữa các loại, sữa gạo, nước lá đinh lăng, nước các loại đậu nấu, chè vằng v.v.

Đến lần sinh thứ 3 thì Hà có thử dùng thêm bột ngũ cốc và thấy mình hợp với loại này nhất (hiện tại vẫn chỉ dùng bột ngũ cốc là chính, rất ít dùng thêm các loại thực phẩm lợi sữa khác).

Ngũ Cốc

Mẹ chồng Hà mua các loại đậu ở quê, gồm đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành v.v… Về nhà rang lên, rồi mang các loại đậu đã rang này ra nhà thuốc bắc nhờ họ xay nhuyễn thành bột.

 Hà dùng 2 muỗng cà phê bột này pha với nước nóng cho hòa tan hoàn toàn, rồi cho thêm sữa tươi không đường vào uống. Rất thơm ngon mà không sợ mập. 

Các mẹ có thể không cần cho thêm sữa tươi vào cũng được, nhưng như vậy Hà thấy không thơm ngon bằng.

 

ngũ cốc lợi sữa tự làm

Uống ngũ cốc xong tầm 15-20p là nghe ngực rần rần và sữa tiết ướt áo. Ban đầu chưa có nhiều sữa thì Hà uống 4-5 lần/ngày, sau này lượng sữa đã ổn định thì Hà uống 1-2 lần/ngày thôi.

Mẹ nào uống bột ngũ cốc mà bị táo bón, thì nên giảm lượng đậu đen và đậu đỏ, đồng thời tăng lượng đậu xanh lên để đi ngoài dễ dàng hơn nhé. 

Hà trữ bột này trong hộp kín rồi để ngăn mát tủ lạnh. Nếu không có tủ lạnh mà để ở ngoài thì lâu ngày dễ bị mốc, hoặc tệ hơn là bị mấy con mọt tấn công.

Hà thấy ở ngoài thị trường cũng có nhiều nơi bán bột ngũ cốc. Các mẹ có thể tìm nơi uy tín để mua dùng hoặc tự làm như cách Hà nêu trên ạ. 

Các mẹ cứ ăn uống bình thường, nhưng cố gắng bổ sung phong phú nhiều loại thực phẩm khác nhau để sữa mẹ có nhiều dinh dưỡng, và cũng để cơ thể mẹ đủ chất, khỏe mạnh mà nuôi bé.

Đừng kiêng khem nhiều quá, cũng đừng ăn mãi một món nào đó (nhớ 2 lần sinh Mây Cao, Hà chỉ ăn móng giò heo liên tục, từ bữa này đến bữa khác mà … sợ luôn).

6 – Làm  Sao Để Biết Bé Bú Mẹ Đủ?

Khi cho bú mẹ trực tiếp, thì rất khó xác định bé bú bao nhiêu là đủ vì đâu có gì để đo lường.

Có lúc bé bú vài phút đã nhắm tịt mắt ngủ. Có lúc bé cứ rỉ rả ti mẹ hơn nửa tiếng đồng hồ, mẹ mỏi cả người mà bé chẳng chịu nhả vú ra. Những lúc này mẹ sẽ hoang mang lắm, chẳng biết là bé bú thiếu đủ như thế nào nữa.

Nhưng không phải là không có cách, các mẹ cần quan sát bé và theo dõi thái độ của bé, lượng nước tiểu, lượng phân bé đi ngoài là có thể biết được bé bú đủ hay không.

Video dưới đây hướng dẫn rất chi tiết điều này. Có thuyết minh tiếng Việt nên các mẹ mở loa nghe nhé. 

 

7 – Một số quan điểm “kì lạ” về sữa mẹ vẫn được lưu truyền đến nay

Hà có tham gia nhiều Hội của các bà mẹ bỉm sữa. Và Hà thấy vẫn còn tồn tại những thắc mắc của các mẹ về vấn đề sữa mẹ đặc, loãng, thơm, mát, nóng, hôi..v.v..

7.1 Sữa mẹ đặc – loãng?

Thường các mẹ hay nhìn vào màu của sữa và đoán về độ đặc – loãng của sữa mẹ, nghĩ rằng sữa trong là sữa loãng, sữa đục mới là sữa đặc. Nhưng sự thật là:

– Sữa mẹ tiết ra khoảng đầu cữ bú: có màu trắng, hơi trong. Sữa này chứa lượng nước lớn, giúp bé giải khát (đó là lý do mà các bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời thì không cần uống nước thêm), cung cấp vitamin, chất khoáng cho bé.

– Sữa mẹ tiết ra vào giữa và cuối cữ bú: có màu trắng đục. Sữa này cung cấp năng lượng, chứa nhiều chất béo giúp bé no lâu và lên cân. 

Sữa mẹ tách lớp khi rã đông

Sữa mẹ sau khi rã đông: nhìn rõ có lớp trong bên dưới là sữa đầu, lớp béo đục ở trên là sữa cuối

Dù sữa đầu hay sữa cuối cũng đều quan trọng cho bé cả. Nên khi cho bé bú các mẹ nên cho bú cạn 1 bên vú để bé nhận đầy đủ dưỡng chất của cả sữa đầu lẫn sữa cuối, rồi hãy đổi bên (nếu bé còn muốn bú thêm).

Một số shop bán sản phẩm lợi sữa cứ hay đăng ảnh cốc sữa đặc quánh, nghiêng chảy không nổi luôn, rồi bảo rằng nhờ uống sản phẩm của họ mà sữa đặc như vậy… thì các mẹ hãy mỉm cười và cho qua thôi. Vì sữa mẹ để tự nhiên chẳng bao giờ đặc đến nỗi…sền sệt vậy đâu ạ.

7.2 Sữa mẹ thơm – hôi

Trong thi ca Việt Nam hay gặp những câu như “dòng sữa ngọt ngào thơm mát của mẹ”. Đó chỉ là cách nói thậm xưng về sữa mẹ một cách đầy yêu thương thôi ạ. Chứ sữa mẹ có vị lờ lợ, và mùi thì… không thực sự là thơm tho lắm.

Chỉ khi bé bú mẹ, sữa mẹ ngấm vào người bé, mình hôn bé mới thấy da bé thơm thôi hihi.

“Uống gì để sữa thơm hơn hả các mẹ?” là câu Hà gặp nhiều nhất trong các hội mẹ bỉm sữa. Và mẹ nào đăng những câu hỏi như này, là y như rằng bị các nick bán hàng làm phiền te tua luôn.

Sữa mẹ khi bé bú trực tiếp thì ai cũng như nhau thôi ạ, mùi vị đặc trưng của sữa mẹ là thế. Không có em bé nào chê sữa mẹ hôi cả, chỉ có mẹ tự suy diễn (hoặc nghe lời của người bán hàng) rồi tự chê sữa của chính mình à.

–> Nhưng sữa mẹ đã vắt ra và trữ tủ lạnh, thì khi rã đông đúng là có mùi “khó chịu” hơn sữa mẹ bình thường. Và hầu như sữa trữ đông nào cũng vậy, không riêng gì ai cả.

* Kinh nghiệm giúp sữa mẹ trữ đông bớt mùi “hôi”

Cách 1: pha sữa trữ đông với một lượng sữa mẹ mới vắt ra, tỷ lệ 50-50, hoặc 40-60 cũng được (cách này Hà tham khảo từ nhiều mẹ khác).

Cách 2 (kinh nghiệm của Hà):

  + mang bịch sữa cần rã đông ra, để dưới vòi nước mát xối vài lần

  + cho bịch sữa còn đông này ngâm vào một cái tô chứa nước mát bình thường cho tan hết. Sữa mẹ đang đông cứng mà ngâm với nước mát sẽ rã ra nhanh lắm; không cần dùng đến nước ấm để rã đâu ạ.

  + sữa tan gần hết thì các mẹ cho vào ngăn mát tủ lạnh để trữ.

  + bé bú bao nhiêu thì các mẹ chiết ra bình khác hâm ấm lại bấy nhiêu.

Thường Hà áp dụng cách 2 nhiều hơn cách 1.

* Lưu ý: Bịch sữa đã rã đông này các mẹ nên dùng trong vòng 24h, càng ngắn càng tốt.

7.3 Sữa mẹ mát – nóng

Quan niệm “bé mình bú mẹ mà còi quá, chắc do sữa của mình nóng” hay “bé kia cũng bú mẹ mà tăng cân tốt quá, chắc sữa của mẹ đó mát” cũng rất phổ biến.

Bé bú mẹ mà có đứa gầy, đứa bụ là do khả năng hấp thu sữa mẹ của mỗi bé khác nhau. Cũng giống như người lớn chúng ta sống cùng dưới mái nhà, cũng ăn bấy nhiêu thức ăn mà sao có người gầy, người tròn đó ạ.

Sữa mẹ là tốt nhất cho bé, đừng nên kì thị sữa mẹ dưới mọi hình thức

Sữa mẹ là tốt nhất cho bé, đừng nên kì thị sữa mẹ tốt xấu gây tâm lý hoang mang cho mẹ lúc nuôi con 

Sữa mẹ có một thứ tuyệt vời mà không một loại sữa công thức nào có được: đó là khả năng tăng sức đề kháng cho trẻ. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ có sức đề kháng tốt hơn rất nhiều so với trẻ bú sữa công thức hoàn toàn, và cũng tốt hơn so với trẻ bú dặm sữa công thức và sữa mẹ.

Có một điều lưu ý là sữa mẹ không cung cấp đủ vitamin D, nên nếu sợ trẻ thiếu vitamin D thì các mẹ có thể mua bổ sung cho trẻ (mỗi ngày 1 giọt hòa vào sữa mẹ hoặc uống riêng).

Với lại, khi bé bú mẹ hoàn toàn, thì cả tuần không đi ị thì cũng không gọi là bị táo bón. Thường những bé bú SMHT có khi xì xoẹt mười mấy lần trong ngày (mới sinh trong tháng), hoặc ra tháng thì có khi 10 ngày – 15 ngày mới ị vẫn không sao ạ. Miễn lúc bé ị phân đẹp, mịn, có thể hơi sệt chút thì vẫn là bình thường. Và trong thời gian “nhịn” đó bé không bị quấy khóc khó chịu quá nhiều.

Trong giai đoạn bú mẹ hoàn toàn, em Du vẫn thường xuyên 5-7 ngày mới ị một lần (có khi đến 2 tuần mới ị), nhưng phân “đẹp” và em vẫn sinh hoạt vui vẻ bình thường nên hoàn toàn không phải bị bón.

Các mẹ đừng thấy mới mấy ngày bé không ị, cuống cuồng mua ống bơm về bơm hậu môn bé, như vậy không tốt cho bé đâu nhé.

♦ Quan điểm của Hà

Bé bú mẹ hoàn toàn là nhất rồi, điều quan trọng vẫn là bé vui vẻ, khỏe mạnh, ít bệnh vặt, phát triển tốt.

Các mẹ đừng xem cân nặng của con là tất cả. Không cần phải đong đếm so sánh từng chút với con người khác. Cũng không có gì phải cuống cuồng khi có những giai đoạn bé sụt vài lạng. Cân nặng không phản ánh tình trạng sức khỏe tốt xấu của bé, nó chỉ phản ánh “bệnh sĩ” của mẹ với người khác mà thôi.

Tập trung vào chiều dài của bé sẽ tốt hơn các mẹ ạ, vì mập – ốm sau này còn điều chỉnh được, chứ cao – thấp thì muốn điều chỉnh cũng chả biết phải chỉnh làm sao.

Miễn cân nặng của bé vẫn ở trong ngưỡng bình thường thì các mẹ đừng lo gì cả nhé. Bảng cân nặng, chiều cao trung bình của bé trong quyển số sức khỏe của bé lúc xuất viện, hoặc sổ tiêm ngừa của bé đều có in đầy đủ, các mẹ cứ đối chiếu vào đấy, không cần phải tìm đâu xa cả.

Nếu mẹ cứ suốt ngày nhìn vào cân nặng của bé, đem ra so sánh, rồi lại khổ sở tự trách bản thân mình, thì mẹ càng mệt mỏi hơn. Đã chăm con cực khổ rồi, mà còn tự suy diễn ra những điều “không có thực” thì mẹ càng stress, lâu ngày dễ dẫn đến mất sữa thật đấy ạ.

Sữa mẹ không có tội

Có những thời điểm wonder weeks (gọi tắt là giai đoạn “khó ở” của bé), bé sẽ đổi tính một chút. Có thể ăn rất ít, quấy nhiều, ngủ không ngoan, và cũng có thể bị sụt vài lạng… điều này là hoàn toàn bình thường. Những lúc này mẹ sẽ cực hơn một chút khi chăm bé nhưng không sao, cứ cố gắng cho bé bú đều đặn (để mẹ không bị ít sữa đi), bé không chịu bú thì mẹ vắt sữa ra rồi đút thìa hoặc ti bình…

Qua giai đoạn khó ở bé sẽ dễ thương lại ngay. Nuôi con là cả chặng đường dài, mẹ cần giữ vững phong độ của mình, đừng nghe ai rỉ rả thông tin tiêu cực rồi hoang mang làm gì cả!

Những quan điểm Kì Lạ trên vẫn còn được lưu truyền khá phổ biến, một phần do các shop bán thực phẩm lợi sữa tâng bốc, khiến cho mẹ sữa thêm hoang mang và tự ti về dòng sữa của mình.

Thực phẩm lợi sữa không xấu, vì bản chất của nó vốn tốt cho sức khỏe của mỗi người. Các mẹ cứ bổ sung nếu thấy dùng tốt cho sức khỏe, lượng sữa được cải thiện nhiều hơn. Còn lại những thông tin sữa mẹ thế này thế nọ thì cứ để ngoài tai đi ạ!

** Các mẹ tham khảo thêm:

– Phần 1 : Tầm quan trọng của da tiếp da khi mới sinh – Cho bé ngậm vú mẹ đúng cách – Cho bé bú nhiều để tăng lượng sữa mẹ

Phần 3: Cách hút được nhiều sữa; bảo quản sữa mẹ đúng cách; hạn chế đau bầu ngực; khắc phục nứt đầu ti

[Bản quyền video trong bài viết thuộc về Global Health Media Project ạ]

Iu các chị, xx

Bài viết này của LamdepcungHa.com

PS. Các chị đừng quên để lại bình luận bên dưới nhé!

 

Để lại bình luận
(0) bình luận cho Tư Thế Cho Bé Bú - Thực Phẩm Lợi Sữa - Sự Thật Về Sữa Mẹ Nóng Mát, Sữa Mẹ Thơm Hôi (Phần 2)
Về Hà - Liên Hệ

Hà quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, cuộc sống cá nhân như thế nào, tại sao Hà lập website này, liên hệ với Hà như thế nào...

Đăng ký nhận bản tin khuyến mãi
  • NAM
  • NỮ
Kết bạn với hà trên facebook