Nuôi Dạy Con

Cách Hút và Bảo Quản Sữa Mẹ - Trị Nứt Cổ Gà - Xử Lý Tắc Tia Sữa (Phần 3)

Hà chia sẻ tiếp kinh nghiệm hút được nhiều sữa, trữ đông sữa mẹ đúng cách, trị đau bầu ngực và khắc phục nứt đầu ti.

8 – Mẹo Giúp Hút Được Nhiều Sữa

Máy hút sữa

Máy hút sữa

8.1 Lầm tưởng về máy hút sữa

Hồi sinh bé Cao (con thứ 2), Hà có nghe thông tin dùng máy hút sữa thì mẹ sẽ có nhiều sữa hơn, nên Hà cũng đầu tư mua 1 cái máy hút điện đôi về sử dụng (máy hút có 2 bầu hút sữa).

Lúc đó Hà có nhiều “lầm tưởng” về công dụng của máy hút sữa. Hà chỉ nghĩ đơn giản là
+ dùng máy hút sẽ có nhiều sữa hơn

+ dùng máy để hút cạn sữa còn lại trong ngực nếu bé bú không hết

+ hoặc dùng để hút sữa lúc ngực căng quá (ví dụ lúc bé ngủ, hoặc lúc đi công việc về mà chưa tới cữ bú của bé).

Với suy nghĩ đơn giản như vậy nên Hà hút sữa ra rất ít, chỉ đủ để tráng bình. Lúc nhiều nhất cũng chỉ được tổng 100ml cả 2 bên vú. Thấy nhiều mẹ khác khoe hình chụp sữa nhiều quá tủ đựng không hết, phải tìm người để cho mà Hà phải GATO và nghĩ chắc do cơ địa mình ít sữa.

Thời gian đó Hà hút sữa không theo một lịch trình cụ thể nào, cứ tùy vào tình trạng ngực mà hút thôi.

Nhiều lúc hút hoài sữa chỉ ra được ít – dù sữa còn nhiều trong ngực. Hà nghĩ là máy hút sữa bị hỏng (mặc dù Hà đã tìm hiểu rất kĩ trước đó và mua của thương hiệu uy tín) nên Hà mang ra khiếu nại với cửa hàng chỗ Hà mua.

Họ kiểm tra và test thử với ngực cao su cho Hà thấy là máy này không bị gì cả, lực hút vẫn đạt chuẩn (Hà biết các bạn bán hàng chỉ thực hiện như cách đã được cửa hàng đào tạo thôi, các bạn ấy đều còn rất trẻ và chưa có con nên không có kinh nghiệm sử dụng thực tế, vì vậy cũng không đưa cho Hà thêm lời khuyên nào khác được).

Máy hút sữa điện

Máy hút sữa điện

Hà đành mang máy về, cặm cụi sử dụng tiếp khoảng 2 tháng nữa nhưng mỗi lần hút cũng chỉ ra được ít sữa (còn lại sữa nằm trong ngực) nên rất bực mình. Nản quá Hà quăng luôn máy hút sữa vào tủ không thèm đụng đến nữa, và nghĩ rằng mình “xui xẻo” mua phải cái máy kém chất lượng).

8.2 Bí kíp để có được sữa nhiều

Đến khi sinh bé Du, do đã tích lũy được thêm nhiều kiến thức mới nên Hà thử tận dụng lại máy hút sữa từ thời anh Cao để dùng lại xem sao.

Trong khoảng vài tuần đầu mới sinh Du Hà cũng hút được chỉ 90ml tổng cả 2 bên ngực.

Tình cờ một hôm Hà đang hút sữa thì em Du khóc đòi bú, do lúc đó chỉ có một mình nên Hà bế bé lên cho bú một bên và đồng thời hút sữa bên còn lại. Bất ngờ là khi bé bú thì sữa được kích thích nên tuôn ra ào ạt. Lượng sữa hút được hôm đó nhiều hơn hẳn mọi khi, thế là Hà biết được bí kíp: vừa cho bé bút một bên, bên còn lại hút sữa đồng thời thì sẽ được nhiều sữa.

Khác với lần nuôi anh Cao, lần nuôi em Du Hà luôn cho bé bú mọi khi bé cần, bất kể ngực đang mềm hay căng nên sữa được kích thích thường xuyên, lúc nào cũng đủ lượng sữa cho bé bú trực tiếp. Hà không gặp áp lực phải kích sữa nữa.

Những mẹ nào ít sữa cho con bú, thường được khuyên dùng một thủ thuật gọi là “kích sữa”, tức là phải hút sữa khá nhiều lần trong ngàyđều đặn vào những giờ cố định để kích cho sữa về nhiều hơn.

Sữa mẹ hút ra ngoài

Sữa mẹ Hà hút ra bằng máy hút sữa

Hà thường hút sữa 3 cữ/ngày để trữ cho bé dùng trong trường hợp không thể ở nhà cho bé bú. Các cữ lần lượt là 7h00 – 12h00 – 17h00. Buổi tối Hà cho bé bú mẹ theo nhu cầu – tức là khi bé đòi thì cho bú mẹ. Thường ban đêm bé dậy bú 2 lần (trong 2 tháng đầu bé dậy bú 3 lần/đêm, lớn hơn thì giảm còn 2 lần).

Hà không hút sữa vào ban đêm vì…lười. Chỉ những đêm bé ngủ quên không đòi bú và nếu ngực căng tức khó chịu quá thì Hà mới dậy hút thôi.

Thật sự thì giấc ngủ của mẹ cũng đóng vai trò quan trọng giúp sữa tiết ra nhiều hơn. Khi mẹ ngủ, cơ thể được nghỉ ngơi, toàn thân thoải mái nên sữa cũng sẽ tiết ra nhiều.

Hà cũng không có ý định hút sữa dự trữ quá nhiều vì cho bé bú mẹ trực tiếp luôn là tốt nhất. Sữa mẹ trữ đông thì theo Hà chỉ bằng 70-80% sữa bú trực tiếp nên không quá lạm dụng sữa trữ đông (tất nhiên có sữa mẹ trữ đông để bé bú còn tốt hơn nhiều so với dùng sữa ngoài). Mỗi ngày Hà chỉ hút dư trung bình 300ml sữa để trữ đông dành cho bé khi Hà có việc ra ngoài thôi.

8.3 Kích sữa

Với những mẹ bị mất sữa, hoặc ít sữa muốn tăng lượng sữa nhiều lên, thì có thể dùng máy hút để kích sữa.

Lúc này các mẹ cần thực hiện các giờ hút sữa sát nhau hơn.

Ví dụ ban ngày hút lúc các cữ lúc 7h-9h-11h-13h-15h-17h-19h-21h…. buổi tối linh động tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ mà mẹ ngủ luôn hoặc thức dậy kích.

Hà thấy nhiều mẹ chia sẻ là nếu ban đầu ít sữa thì cần thức đêm kích luôn, đúng giờ giấc. Còn mẹ nào đã kích thành công một chút rồi thì buổi tối có thể ngủ để nghỉ ngơi lại sức. Bởi giấc ngủ cũng khá quan trọng để cơ thể mẹ tạo sữa.

Mẹ cần lặp đi lặp lại việc kích sữa này thật đúng giờ và liên tục, ngày qua ngày, tuần qua tuần, thậm chí tháng qua tháng… Ban đầu kích thì sữa rất ít trong mỗi lần hút nhưng mẹ cứ kiên trì hút đúng cữ, đến khi sữa có nhiều và đều đặn rồi thì lúc đó mẹ có thể giãn cữ hút rình

Máy hút sữa tiện dụng

Mẹ dùng máy hút sữa để kích sữa về nhiều cho bé

Máy hút sữa có loại hút thủ công, có loại hút tự động bằng động cơ (cắm điện là động cơ chạy, không lo mỏi tay). Máy hút sữa tự động có loại đơn và đôi. Loại đơn có một bầu hút nên rẻ hơn loại đôi có hai bầu hút. Hà mua loại tự động đôi, nhưng trong quá trình sử dụng nhận thấy chỉ sử dụng một bầu hút là đủ. Vì vậy mẹ nào dư dả thì mua loại tự động đôi, còn không mua loại đơn cũng đủ dùng.

8.4 Tóm tắt cách hút sữa của Hà:

– Uống 1 ly nước ấm trước và ngay sau khi hút sữa để bổ sung lượng nước đã mất.

– Massage nhẹ nhàng bầu ngực trước khi hút.

– Ban đầu khi sữa chưa về nhiều, Hà hay dùng khăn ấm để chườm giúp các mô bên trong ngực giãn nở, sữa dễ xuống hơn. Sau này khi lượng sữa đã ổn định thì Hà chỉ massage tay thôi, không chườm ấm nữa.

– Hút cạn 1 bên. Còn 1 bên thì chỉ hút khoảng phân nửa lượng sữa, rồi cho em Du bú bầu ngực này.

– Khi bé bú, thì đầu ti được kích thích nên sữa sẽ xuống thêm lần nữa cho cả 2 bên ngực. Bé sẽ bú no 1 bên. Bên còn lại mẹ sẽ đưa máy vào hút cùng lúc với bé bú để nhận thêm lượng sữa được kích lần 2 này.

Lượng sữa được kích ra lần 2 này thường ít hơn một chút so với lượng sữa ngực căng lúc ban đầu.

– Nếu hút không trùng giờ bú của bé, các mẹ cứ hút cho cạn cả 2 bên. Nếu thấy ngực đã mềm nhũn và hết sữa hẳn thì thôi.

– Hoặc mẹ thấy có vẻ sữa còn, ngực vẫn to mà hút hoài không ra thì mẹ hãy dùng tay massage bầu vú và vê đầu ti một lát để kích thích sữa xuống. Cách này cũng khá hiệu quả, giúp hút cạn lượng sữa còn sót lại trong vú mẹ.

Sữa mẹ trữ đông

Sữa mẹ Hà hút ra trữ đông cho em Du

9- Bảo Quản Sữa Mẹ

Việc bảo quản sữa mẹ cũng rất quan trọng, các mẹ cần nắm rõ quy trình này để giúp sữa mẹ được hút ra giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, dùng trong hạn sử dụng, cách hâm sữa cho bé dùng v.v…

Các mẹ xem video này để hiểu rõ hơn về cách trữ sữa mẹ, hạn sử dụng, cách hâm sữa đúng cách..v.v… (Có thuyết minh tiếng Việt nên các mẹ mở loa lên nghe nhé)

– Sữa mẹ được hút ra cần được đựng trong bình thuỷ tinh hoặc bình nhựa đã rửa sạch, tiệt trùng.

– Nếu sữa mẹ hút ra để ở ngoài nhiệt độ phòng cần sử dụng trong 6 giờ.

– Nếu trữ tủ lạnh, thì mẹ cần cho sữa vào túi trữ sữa, bình thủy tinh, bình nhựa và được đóng kín nắp. Nhớ ghi lại ngày tháng để dễ theo dõi.

– Sữa trữ ngăn mát tủ lạnh (12 độ C) dùng trong vòng 5 ngày. Lưu ý để sữa sát bên trong cùng của tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ (để ở cửa tủ thì sữa sẽ ít lạnh).

– Sữa trữ ở ngăn đá dùng được trong 2 tuần.

– Sữa trữ ở tủ đá chuyên dụng (nhiệt độ lạnh hơn ngăn đá tủ thường) dùng được trong 3 tháng.

* Hà đọc một số tài liệu thì cho rằng sữa mẹ khi bảo quản trong tủ đá chuyên dụng sẽ dùng được đến 6 tháng. Các mẹ có thể linh động tuỳ trường hợp, nhưng với Hà thì dùng trước 3 tháng vẫn là tốt nhất.

10- Cách Xử Lý Ngực Bị Tắc Sữa, Đau Bầu Ngực…

Thật ra, để hạn chế tình trạng bị tắc sữa, đau bầu ngực v.v.. thì các mẹ cứ tập cho bé ngậm vú mẹ đúng khớp là sẽ giảm thiểu tối đa ạ. Xem hướng dẫn về khớp ngậm đúng ở bài viết phần 1 (mục 2).

Nhưng nếu không may các mẹ rơi vào trường hợp này, thì vẫn có cách để xử lý.

Các mẹ xem Video này để hiểu rõ chi tiết hơn về cách xử lý tình trạng đau bầu ngực khi bị tắc sữa ạ

11 – Đau Đầu Ti, Nứt Cổ Gà Phải Làm Gì?

Cũng giống như việc bị đau bầu ngực do tăc sữa, bị viêm… ở ý trên, thì việc cho bé ngậm vú đúng khớp sẽ hạn chế việc bị đau, nứt đầu ti.

Các mẹ nên tập cho bé ngậm vú đúng khớp càng sớm càng tốt, bởi trong vài tuần đầu sau sinh, đầu vú mẹ sẽ rất đau khi bé bú. Giai đoạn này nếu bé ngậm vú sai cách nữa thì mẹ sẽ vô cùng khổ sở.

Hà có quen một chị làm tóc gần nhà, chị ấy bảo “sao cho con bú chị khó chịu và đau quá, chị không dám cho bé bú luôn í”, từ đó chị chuyển qua hẳn sữa công thức cho bé luôn (không cho bú mẹ nữa).

Rồi đến giai đoạn bé mọc răng, bé biết cắn, nhai đầu vú mẹ thì đúng là “thấy mấy ông trời”.

Dầu dừa an toàn và hiệu quả để trị nứt đầu ti

Dầu dừa nguyên chất an toàn và hiệu quả để mẹ trị nứt đầu ti

Nếu lỡ bị đau đầu ti, thì các mẹ có thể dùng dầu dừa nguyên chất thoa vào đấy. Khi bé bú thì rửa và lau sạch dầu dừa đi là được ạ. Bé bú xong thì thoa tiếp, chừng 2 ngày sẽ khỏi ngay.

Các mẹ có thể tận dụng dầu dừa để trị hăm tã cho bé luôn, rất hiệu quả mà lại an toàn. Không cần mua các loại thuốc trị hăm tã ngoài thị trường làm chi ạ.

Các mẹ tham khảo thêm video hướng dẫn cách xử lý khi bị đau đầu ti ạ:

Kết

Nuôi con bằng sữa mẹ là một hành trình dài, ít nhất là trong 6 tháng đầu đời của bé, nên mẹ hãy cố gắng để có nguồn sữa đầy đủ cung cấp cho bé.

Theo lý thuyết thì động vật có vú luôn đủ sữa cho con bú – nên con người cũng không ngoại lệ (con người là động vật bậc cao). Nhưng chúng ta vẫn khác các loài khác, là chúng ta có suy nghĩ. Và chính những suy nghĩ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lượng sữa mẹ.

Ví dụ như stress, áp lực chăm con, thiếu ngủ v.v.. có thể làm giảm nghiêm trọng lượng sữa mẹ. Nên quan trọng nhất là các mẹ hãy giữ tinh thần thoải mái, và phải có niềm tin rằng mình luôn có đủ sữa cho con bú.

Em Du ngủ ngoan

Em Du bú sữa mẹ hoàn toàn

Lúc mới sinh sữa mẹ chưa về nhiều, hoặc những lúc thăng trầm nào đó trong giai đoạn nuôi con mà khiến lượng sữa mẹ không đủ cho bé, thì mẹ cũng hãy bình tĩnh để vượt qua giai đoạn này. Có thể là xin sữa của các mẹ khác, hoặc cho bé bú đỡ sữa công thức vài hôm. Trong thời gian này mẹ hãy ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, hoặc dùng thủ thuật kích để tăng lại lượng sữa (có hướng dẫn ở trên).

Đừng quá nghiêm trọng hóa vấn đề, chẳng hạn khăng khăng cho rằng sữa của các mẹ khác không đủ vệ sinh, rồi sữa công thức là thuốc độc cho con…mà tạo áp lực lớn lên bản thân, tự trách mình sao không có sữa. Càng nhiều áp lực thì sữa sẽ càng không về.

Hãy nuôi con bằng tất cả tấm lòng của mình, sự cố gắng của mình, linh động khi cần thiết và quan trọng nhất chính là mẹ hãy giữ gìn sức khỏe của mẹ để có thể chăm bé một cách trọn vẹn, vui vẻ và hạnh phúc nhất!

Hà tạm kết thúc chủ đề tăng lượng sữa mẹ tại đây. Nếu các chị có góp ý hay thắc mắc gì vui lòng gửi email cho Hà nhé (lamdepcungha@gmail.com).

** Các mẹ tham khảo thêm:

Iu các chị, xx

Bài viết này của LamdepcungHa.com

PS. Các chị đừng quên để lại bình luận bên dưới nhé!

 

Để lại bình luận
(0) bình luận cho Cách Hút và Bảo Quản Sữa Mẹ - Trị Nứt Cổ Gà - Xử Lý Tắc Tia Sữa (Phần 3)
Về Hà - Liên Hệ

Hà quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, cuộc sống cá nhân như thế nào, tại sao Hà lập website này, liên hệ với Hà như thế nào...

Đăng ký nhận bản tin khuyến mãi
  • NAM
  • NỮ
Kết bạn với hà trên facebook