Nuôi Dạy Con

Sinh Con Ở Bệnh Viện Từ Dũ [Kinh Nghiệm]

Lần mang thai đầu tiên (bé Mây) Hà đã chọn sinh con ở bệnh viện Từ Dũ. Hà chia sẻ tất tần tật kinh nghiệm của mình khi sinh con tại đây để các mẹ tham khảo nhé!

sinh con ở bệnh viện từ dũ

1. Hành Trình Mang Thai Đầy Khó Khăn Của Hà

Lúc Hà mang bầu bé Mây, dù là con so nhưng bác sĩ chẩn đoán là bị hở eo cổ tử cung. Hà đi khám vài nơi họ đều nói như vậy, nên Hà được chỉ định đi bệnh viện khâu cổ tử cung lại và kiêng cữ đủ thứ: kiêng đi lại, kiêng lên xuống cầu thang, kiêng quan hệ vợ chồng v.v… Hầu như từ tháng thứ 4 thai kì, Hà phải kiêng vận động, từ tháng thứ 5 chỉ nằm trên giường và quanh quẩn trong phòng đến khi sinh. Ăn uống thì có mẹ chồng hoặc chồng mang đến tận phòng. Ngồi ghế nệm để làm việc trên máy tính cũng không được mà phải mua 1 cái máy tính bảng cùng với bàn kê và nằm làm việc trên giường.

Khi bị hở eo cổ tử cung thì các mẹ thường rất hay bị đau bụng dưới. Phần cửa mình có cảm giác nặng nặng như cái gì bên trong đó sắp tụt ra. Ngoài ra còn có nguy cơ cao sinh non nữa nên đa số các mẹ rơi vào tình trạng này đều phải ở nhà nằm nghỉ ngơi dài hạn như Hà.

Thường thì tuần 40 mới sinh, nhưng đến tuần 38 bác sĩ chỉ định cho Hà cắt chỉ khâu để tránh trường hợp chuyển dạ sớm bị vỡ tử cung.

Sau khi cắt chỉ 1 tuần, vào chiều mùng 1 Tết Hà thấy bụng cứ khó chịu, em bé đạp liên tục không nghỉ, rất khác với mọi ngày. Hà ngủ một giấc đến 2h sáng mùng 2 Tết thì vỡ ối. Thế là anh xã kêu taxi đưa Hà thẳng tiến Từ Dũ.

(Xem kinh nghiệm Lần sinh thứ 2 ở bệnh viện Phụ sản Quốc Tế Sài Gòn của Hà ).

mang bầu con so

Hà khi mang bầu bé Mây

Ban đầu Hà không định chọn sinh ở bệnh viện Từ Dũ đâu, vì nghe nhiều người kể lại rằng Từ Dũ lúc nào cũng quá tải, khi thiếu giường mẹ phải nằm hành lang, cộng với thái độ phục vụ “không coi bệnh nhân ra gì”. Nhưng suy đi xét lại, Hà nghĩ tình trạng của mình thuộc “ca khó” nên chọn Từ Dũ cho yên tâm cả mẹ lẫn con, dù sao chuyên môn của họ cũng là bệnh viện đứng đầu. Thời điểm này bệnh viện cũng vừa xây xong khu mới nên Hà nghĩ chắc không đến nỗi phải vất vả lắm.

Quả thật, chọn sinh con ở bệnh viện Từ Dũ thì Hà không hề thất vọng mà khá hài lòng. Các bác sĩ và y tá không quát nạt bệnh nhân như mọi người mô tả, họ hướng dẫn cũng tận tình. Tất nhiên cũng có một vài nhân viên không được “tươi” lắm nhưng không đến nỗi thô lỗ. Khu N mới xây phòng đẹp như khách sạn. Những ngày Hà nằm lại sau sinh được phục vụ rất chu đáo và thân thiện.

Mách nhỏ các mẹ: Nếu mẹ nào mang thai vất vả như Hà, hoặc tự cảm nhận mình thuộc “ca khó” thì nên chọn Từ Dũ để sinh vì đây là bệnh viện hàng đầu rồi. Từ Dũ cũng đã xây nhiều dãy nhà mới cao cấp và tiện nghi, dịch vụ rất tốt. Những bệnh viện phụ sản cao cấp như Việt Pháp, Hạnh Phúc, Phụ Sản Quốc Tế… tất nhiên dịch vụ miễn bàn (không tính đến giá cả), nhưng khi sản phụ gặp vấn đề thì họ cũng sẽ chuyển về Từ Dũ cả thôi. Mà đợi đến lúc buộc phải chuyển viện thì rủi ro cao lắm nên cứ chọn Từ Dũ trước cho yên tâm ạ.

Nếu Hà nhớ không lầm thì Từ Dũ có nhiều mức giá dịch vụ như 500k/đêm, 1tr/đêm (2 sản phụ một phòng), hoặc 1.5tr/đêm (1 sản phụ/phòng, có thêm 1 giường cho người thân ở lại) nên có tiền thì không phải lo về dịch vụ đâu.

Tất nhiên lời khuyên trên dành cho những trường hợp mẹ mang thai khó, còn mẹ nào mang thai mà vẫn thoải mái làm việc, vận động đến gần ngày sinh luôn thì cứ chọn nơi đẻ theo nguyện vọng của bản thân, không nhất thiết phải Từ Dũ.

 

2. Thủ Tục Nhập Viện

Lúc vỡ ối thì nước ối ra khá nhiều, các mẹ cần sử dụng băng vệ sinh loại dùng cho ban đêm hoặc nếu có băng vệ sinh dành cho mẹ sau sinh càng tốt (nên chuẩn bị trước). Nên mặc kèm với quần lót giấy dùng xong rồi bỏ luôn (mua ở siêu thị 22k/5 quần, loại tốt thì 44k/5 quần, nhớ chọn size L hoặc XL).

Vỡ ối thường chưa đau bụng ngay đâu ạ, nhưng các mẹ cũng cần nhập viện ngay để bác sĩ theo dõi.

Khi vào bệnh viện Từ Dũ các mẹ cần mang theo:

- Giấy tờ, các xét nghiệm suốt quá trình khám thai

- Chứng minh nhân dân photo (2 bản)

- Hộ khẩu thường trú (2 bản)

Những giấy tờ này cần có đầu tiên để làm thủ tục nhập viện. Các mẹ nên chuẩn bị sẵn từ trước, đến khi vỡ ối là xách đi thôi khỏi tìm kiếm mất thời gian.

Tiền ứng trước cho bệnh viện Hà nhớ hình như khoảng 2 triệu.

Đồ dùng mẹ và bé có thể mang sau (nếu nhà gần), vì sau khi sinh bệnh viện có đầy đủ áo quần cho cả 2 mẹ con sử dụng.

Xem thêm Mẹ bầu chuẩn bị đồ đi sinh cần những gì

* Khi viết giấy tờ làm thủ tục, Hà chọn:

- Bác sĩ riêng (là bác sĩ khám Hà trong suốt quá trình mang thai).

- Chọn phòng sinh gia đình (được một người nhà bên cạnh mình trong khi sinh, ví dụ chồng hoặc mẹ). Giá cũng mềm hình như 1 triệu thôi.

- Chọn phương pháp đẻ không đau (gây tê màng cứng), sinh thường. Giá hình như 3 triệu.

Sau khi làm thủ tục xong Hà lên bàn khám. Lúc bác sĩ cho biết đã mở 2 phân thì cơn đau mới bắt đầu.

Hà nghĩ nếu không quá hạn hẹp về tài chính thì các mẹ nên chọn đầy đủ các tiện ích trên ạ. Từ Dũ là bệnh viện công nên giá có phần mềm hơn bệnh viện dịch vụ khác.

Hà chọn tất cả các tiện ích trên, đến lúc thanh toán khoảng 5tr5 – thời điểm năm 2014. Tất nhiên đây chỉ là tiền đẻ, chưa tính tiền phòng mình nằm lại sau khi sinh, thường từ 2-3 ngày.

bé vừa sinh ở bệnh viện

Nàng Mây vừa mới sinh ở trong viện

3. Quá Trình Sinh Con ở Bệnh Viện Từ Dũ

Khi làm xong thủ tục nhập viện, y tá bảo Hà lên lầu thay đồ. Họ phát cho 1 cuộn băng vệ sinh và 1 quần lót giấy.

Họ bơm vào hậu môn của sản phụ một loại nước (Hà chẳng biết gọi là gì, chắc là nước xổ ruột). Bơm nước này thì không đau đớn gì cả. Khoảng vài phút sau khi bơm là sản phụ sẽ vào ngay toilet để xả hết phân trong người ra.

Sau khi xổ ruột xong, Hà được nằm trong phòng chờ có nhiều giường cùng các mẹ khác. 

Lát sau y tá đẩy Hà vào phòng sinh gia đình, anh xã Hà được gọi vào cùng. Khi chọn phòng sinh gia đình, các mẹ sẽ ở đấy sinh riêng một mình, cùng 1 người thân ngồi bên cạnh an ủi động viên. Không phải nằm sinh chung phòng cùng các mẹ khác.

Do sức khỏe yếu nên lúc có bầu Hà không thể đi học lớp dạy tiền sản, vì vậy lúc đau bụng phải cố nhớ mà thở theo hướng dẫn trong sách. Các mẹ có thể tham khảo cách thở lúc chuyển da trong quyển sách “Dành cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”, hoặc học lớp tiền sản do bệnh viện Từ Dũ mở.

Đau bụng đẻ là lúc các cơn gò căng lên mới đau, lúc cơn gò giãn ra thì hết đau. Có nghĩa là đau xiết cái rồi hết đau, và quá trình này cứ lặp đi lặp lại, tăng dần đến khi tử cung mở hết cỡ đón bé.

Quan trọng nhất là khi đau các mẹ nhớ đừng có la hét, càng la hét càng nhanh mất sức. Hãy cố thả lỏng mình ra và cắn răng thì sẽ đỡ đau. Vài lúc Hà có rên khẽ thôi mà đã thấy người mệt hơn rất nhiều so với lúc im lặng rồi.

Động lực giúp Hà mạnh mẽ nhất trong lúc này chính là anh xã.

Lúc Hà đau quá thì anh xã nắm chặt tay Hà, Hà thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh rất nhiều từ cái nắm tay ấy. Dù một số mẹ cho rằng không nên để chồng thấy cảnh mình sinh nở, như thế sẽ “mất hình ảnh” hoặc lo chồng sẽ bị ám ảnh mà lảng tránh chuyện chăn gối với vợ về sau này. Nhưng cá nhân Hà nghĩ phải để chồng biết và chia sẻ cùng vợ nỗi đau đớn, vất vả khi có được một đứa con.

Chứng kiến con mình chào đời cũng là một cảm xúc không thể nào quên của một ông bố.

Khi sinh cùng, các ông bố cũng chỉ ngồi trên đầu giường cùng vợ thôi, chứ BS không cho xuống dưới nhìn đỡ bé đâu nên các bố “yếu bóng vía” cũng không có gì phải sợ ạ..hihi..

chồng vào phòng sinh cùng vợ

Hà chịu đau khoảng 3 giờ đồng hồ thì tử cung mở 5 phân. Bác sĩ vào chích mũi “gây tê ngoài màng cứng”. Mũi này chỉ chích lúc đã mở 4-5 phân thôi ạ - có nghĩa là các mẹ sẽ phải chịu đau trong suốt thời gian đầu.

Sau khi chích gây tê màng cứng thì Hà cảm thấy dễ chịu hẳn. Cơn đau biến mất, chỉ còn các cơn gò chạy qua chạy lại. Hà từ từ lấy lại sức, trò chuyện với anh xã nhiều hơn, tâm trạng thoải mái hơn.

Việc “gây tê màng cứng” có thể  khiến nhiều mẹ sợ ảnh hưởng về sau (như đau lưng), hoặc sợ ảnh hưởng đến con. Nhưng thật sự phương pháp này an toàn khi được thực hiện tại các bệnh viện uy tín. Hà 2 lần sinh thường đều áp dụng phương pháp này.

Ở các nước phát triển người ta cũng ít khuyến khích cách đau đẻ tự nhiên. Hà nghĩ đây là một phương pháp nhân văn, nhằm giúp phụ nữ giảm bớt đau đớn khi sinh nở.

Nói thật, nếu không có gây tê màng cứng chắc là Hà sẽ không đủ can đảm sinh thường cả 3 lần đâu ạ.

Đến 7h40p sáng BS của Hà vào bảo: “giờ đẻ nhé!”. Rồi BS hướng dẫn cách rặn đẻ.

Hà cảm nhận rõ vết rạch của BS rất ngọt, không thấy đau, chỉ hơi rát tí. Do tác dụng của thuốc gây tê màng cứng nên từ lúc tiêm vào các mẹ sẽ không bị mất sức, không thấy đau bụng hay đau cửa mình lúc sinh nữa. Cứ làm theo lời bác sĩ là mọi chuyện thuận lợi ạ.

Và chỉ 10p rặn đẻ,  bé Mây chào đời. Như vậy, từ lúc vỡ ối đến lúc sinh của Hà là 6 giờ đồng hồ.

Lúc này bác sĩ thông báo ngay giới tính của con, rồi bế con đi qua phòng khác để tắm táp. Khoảng 1 giờ sau mới chuyển bé đến gặp mẹ bên phòng hồi sức.

Khi bác sĩ may vết rạch tầng sinh môn, nếu đau thì các mẹ nên nói BS chích thêm thuốc tê cho mình nhé. Không nên may sống, khá đau đấy ạ!

Hà rặn đẻ chỉ 10 phút, nhưng bác sĩ may đến tận 20 phút mới xong.

Xem chi tiết May thẩm mỹ tầng sinh môn, cách chăm sóc và xông hơ vùng kín sau sinh.

Sau khi hoàn tất thủ tục sinh nở chị y tá đẩy Hà vào phòng hồi sức hỏi “Em thấy thế nào, có muốn sinh nữa không?”. Và Hà không ngần ngại trả lời “em sẽ sinh nữa!”

Khi đến phòng hồi sức thì lúc này các mẹ mới đăng kí phòng dịch vụ để ở lại. Họ không cho đăng kí trước đâu.

4. Phòng Ốc Ở Bệnh Viện Từ Dũ

Hà đăng kí phòng khu N, giá 1,5tr/ngày. Phòng đơn, có 2 giường cho sản phụ với người nhà. Có nôi riêng cho bé. Tủ lạnh, tivi, máy lạnh, tủ quần áo… đầy đủ, đẹp và sang trọng không thua gì khách sạn.

Do Hà sinh thường nên ở lại viện 3 ngày. Mỗi ngày đều có bác sĩ vào thăm khám, y tá vệ sinh, cho thuốc. Cơm canh thì có căn tin nấu cũng vừa miệng.

Tổng chi phí từ lúc vào sinh đến lúc ra viện khoảng hơn 10tr đồng (Hà không có bảo hiểm, hoàn toàn tự trả bằng tiền túi). Chị nào có bảo hiểm thanh toán thì tuyệt vời.

nàng mây khi 2 tuổi rưỡi

Nàng Mây khi 2 tuổi rưỡi.

5. Câu thần chú

“Rồi tất cả cũng qua!”

– Mang thai và sinh nở là giai đoạn vô cùng vất vả của người phụ nữ. Bắt đầu từ tháng thứ 3 thai kì, Hà đã bị ốm nghén tương đối nặng. Mũi Hà trở nên cực kì nhạy cảm với mọi loại mùi. Rất nhiều mùi trước đây Hà thích thì bây giờ trở nên “không thể chịu nổi”. Thậm chí Hà còn “ghê” luôn mùi của anh xã.

– Ngồi xe máy ngoài đường, chỉ cần chạy ngang qua một quán ăn nào đó thì mùi thức ăn từ quán có thể khiến Hà nôn thốc nôn tháo. Hầu như tất cả món ăn Hà không thể ăn được (nghe mùi là nôn), kéo dài liên tục đến tận tháng thứ 6. Giai đoạn này Hà sụt cân khá nhiều, mặc dù bào thai thì cứ lớn lên và đang cần rất nhiều dinh dưỡng.

-Như nói ở đầu bài, khi mang thai Hà được bác sĩ chẩn đoán hở eo cổ tử cung. Mới mang thai vài  tháng đầu thì Hà đã thường xuyên bị đau khi vận động, cho dù chỉ nhẹ nhàng như là đi bộ. Những cơn gò rất hay đến. Thường xuyên có cảm giác là bào thai như muốn “rớt” ra khỏi tử cung. Không biết bao nhiêu lần cơn đau bất ngờ kéo đến vào buổi tối, Hà và anh xã phải lật đật đón taxi đi khám ở phòng khám của bác sĩ tư, hoặc trễ quá thì phải vào bệnh viện khám.

Do đây là lần mang thai đầu tiên, và trong gia đình chưa có ai có kinh nghiệm bị “hở eo cổ tử cung” nên thật sự là Hà rất hoang mang. Nhiều lần Hà cứ có cảm giác là mình không thể giữ được em bé đến ngày sinh nở, và bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực khác nữa. Cảm giác lo sợ bao vây cả hai vợ chồng, ngồi làm việc cũng sợ, đi vài bước cũng sợ. 9 tháng trở nên dài vô tận.

Nhưng cuối cùng, câu thần chú “rồi tất cả cũng qua” quả vô cùng linh nghiệm. Mẹ tròn con vuông. Bé Mây càng lớn càng xinh xắn.

Câu thần chú này sẽ giúp các chị có thêm niềm tin và sức mạnh vượt qua giai đoạn khó khăn này để chuẩn bị đón nhận món quà vô cùng quý giá của cuộc sống (thậm chí là món quà quý nhất).

Hà còn biết năm 2013 ở quận 5 (HCM) có một mẹ mang thai 5 bé (thụ tinh nhân tạo, vì vợ chồng khó có con). Bác sĩ khuyên bỏ bớt để tăng cơ hội sống cho những bé còn lại, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng của mẹ nếu giữ cả 5 bé, nhưng anh chị này nhất quyết không bỏ (mặc dù chồng chỉ là tài xế taxi, gia đình bình thường). Cuối cùng 5 đứa trẻ cũng chào đời khỏe mạnh (đứa nhỏ nhất có 1.3kg), và càng lớn càng kháu khỉnh. Người ta mang thai 5 mà còn vậy, thì mình có đáng kể gì :)

Chị nào còn kinh nghiệm hay khác khi sinh đẻ, bầu bì thì nhớ comment ở dưới giúp Hà nhé!

Iu các chị, xx

Bài viết này của LamdepcungHa.com

PS. Các chị đừng quên để lại bình luận bên dưới nhé!

 

Để lại bình luận
(0) bình luận cho Sinh Con Ở Bệnh Viện Từ Dũ [Kinh Nghiệm]
Về Hà - Liên Hệ

Hà quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, cuộc sống cá nhân như thế nào, tại sao Hà lập website này, liên hệ với Hà như thế nào...

Đăng ký nhận bản tin khuyến mãi
  • NAM
  • NỮ
Kết bạn với hà trên facebook