Phong Cách Sống

Tản Mạn Về Giàu và Nghèo

Ai cũng muốn trở nên giàu có, nhưng bao nhiêu tiền mới gọi là giàu, và thế nào là giàu có thực sự? Hà chia sẻ cái nhìn của mình về quan điểm giàu - nghèo.

giau-va-ngheo

1- TƯ DUY THƯỜNG GẶP

- Tư duy chiếm số đông chính là sự tiết kiệm. Tức là không tiêu xài hoang phí, mà dè xẻn, chắt góp… số tiền đang có để dư ra cất dành. Số tiền cất dành dùng phòng thân cho những trường hợp rủi ro về bệnh tật, hoặc dùng mua tài sản, mua món đồ yêu thích.  

Tư duy này giúp mọi người bớt vung tay quá trán vào những khoản chi tiêu không hợp lý. Nhưng nó không giúp mọi người phát triển, bởi mọi người chủ yếu loay hoay xoay sở trong khoản thu nhập cố định của bản thân.

- Một tư duy khác được đánh giá tiến bộ hơn, chính là không tập trung tiết kiệm mà tập trung vào kiếm thêm. Muốn cái điện thoại Iphone promax mới ra mắt thì cần tìm cách tăng thêm thu nhập để mua, chứ không phải dùng tiền tiết kiệm mua.

Tư duy này thúc đẩy cá nhân phát triển, mở rộng tiềm năng, và nó mở ra triển vọng “giàu có”, chứ không còn là “xoay sở” số tiền cố định như tư duy tiết kiệm cũ.

Nếu chúng ta có thể kết hợp cùng lúc 2 tư duy trên, thì chúng ta sẽ sử dụng đồng tiền hợp lý hơn. Không quá mức khắt khe với bản thân, cũng không tiêu tiền một cách thái quá. 

- Nhưng còn một tư duy khác nữa, nếu chúng ta có thể tiếp cận được nó thì chúng ta sẽ tự do hơn với tiền bạc, không còn bị tiền chi phối, không còn chạy theo tiền.

Đó là tư duy Biết Đủ.

2- TƯ DUY BIẾT ĐỦ

Biết Đủ là khi ta quay về truy xét và làm sáng tỏ nhu cầu căn bản nhất của con người: ăn, mặc, ở, y tế, học hành.

Khi vững vàng ở nhu cầu căn bản, căn bản đến mức đơn giản. Chúng ta sẽ thấy cuộc sống này chẳng còn khó khăn khắc nghiệt nữa. Chúng ta sẽ luôn thấy đủ đầy, an toàn, bình yên. Không còn cuốn lên lo lắng cuộc sống này nhất thiết luôn cần phải có tiền – tiền – tiền – tiền... và tiền.

2-1. Nhu Cầu Về Ăn

Chúng ta ăn nhiều mới dễ bệnh dễ chết, chứ ăn ít thì không dễ chết. Xã hội càng phát triển, quán xá món ăn chẳng có thiếu mà chỉ có thừa, giá lại rất rẻ. Và bệnh viện cũng ngày càng đông và đắt khách như hàng quán. Nên nếu ta “tưởng” rằng cần kiếm thật nhiều tiền để không bị chết đói, thì ta cần truy vấn lại cách nghĩ đấy.  

Món ăn phong phú nhiều chủng loại và nhiều rau củ quả, càng gần với tự nhiên càng tốt cho sức khỏe chứ không phải món đóng hộp, thức ăn nhanh, món qua chế biến, nhiều gia vị. Ăn thô và ăn tươi rất cần được chúng ta ưu tiên trong bữa ăn hàng ngày.

Bởi do chúng ta không kiểm soát được mong muốn “ăn ngon” và "ăn nhiều" của mình, nên ta mới thấy cần phải kiếm nhiều tiền để mua các món ăn ngon.

ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe

Kiếm nhiều tiền để thưởng thức pizza, hamberger, gà rán, xúc xích, lẩu, snack, mì cay… thì cũng là lúc chiếc giường bệnh của vị bác sĩ đang dang tay mỉm cười. Chúng ta thỉnh thoảng vẫn có thể thưởng thức chúng, nhưng nếu ăn liên tục thời gian dài thì nó ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta rất nhiều, một cách âm thầm lặng lẽ. Và đến một ngày cơ thể lên tiếng, ta sẽ không kịp trở tay. 

Ăn chay cũng tốt, nhưng chưa phải cách để ít bệnh. Những sư thầy ni cô trong chùa dù ăn chay sống thanh tịnh vẫn mắc nhiều căn bệnh như người trần tục. Các món chay hiện nay cũng làm rất công nghiệp, bị chế biến tẩm ướp gia vị rất đậm đà. Có người bảo bệnh cũng là Nghiệp. Nhưng nếu chúng ta thay đổi thói quen ăn uống của mình, giảm ăn đường/hương liệu/gia vị/dầu mỡ/đóng hộp/sữa bò... thì ta vẫn có thể chuyển hóa phần nào Nghiệp của chúng ta.

Trẻ con cũng không cần phải ăn quá nhiều. Thương con cho con ăn thả ga đến béo phì thì cũng chủ yếu đã con mắt ngắm nhìn của người lớn, đã cái tay cưng nựng của người lớn, thỏa cái "nư" được khen chăm con khéo... nhưng về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe của bé chút nào.

2-2. Nhu Cầu Về Mặc

Mặc đơn giản lịch sự là đủ. Nếu không biết mặc sao mới được “yêu thích”, thì chúng ta cứ lựa chọn những món đồ kiểu dáng basic, kiểu còn mãi với thời gian, thì ta diện dịp nào cũng ổn. 

Bởi vì mạng xã hội bùng nổ, rất nhiều kiểu dáng mẫu mã thời trang được lăng xê nên chúng ta choáng ngợp. Chúng ta nghĩ nếu mình không thường xuyên cập nhật thì sẽ bị thụt lùi so với xung quanh. Nhưng nếu dư dả thì chúng ta sắm sửa cho tủ áo quần phong phú chút thì cũng được. Nhưng nếu bảo rằng làm việc cật lực chỉ vì sợ “thiếu mặc”, chỉ vì muốn mua được cái áo cái túi… để bằng chị bằng em, để không bị ai xem thường... thì tư duy này sẽ bóp nghẹt chúng ta từng phút từng ngày. Nó chính là năng lượng của lòng ganh tị, so sánh, tiêu cực, và bất an về bản thân.  

Một bộ quần áo không nói lên ta là ai, nó chỉ có tác dụng biểu diễn với những người làm các công việc đặc thù như MC, diễn viên, ca sĩ, người mẫu… Còn đa số người bình thường, chúng ta không cần quá khoa trương như họ. Hãy xem những người làm các công việc cần đầu tư hình ảnh đó, họ có bao giờ mặc lại những bộ trang phục lần thứ hai khi xuất hiện trước đám đông? Không! Họ chỉ mặc một lần duy nhất, và với họ là phù hợp, nhưng đối với người bình thường, ấy là hoang phí. 

Hà cũng từng mua và dùng qua hàng hiệu xa xỉ. Chẳng hạn những cái túi xách hàng hiệu, những bộ đồ mới ra mắt, những đôi giày hot-trend... nhưng cảm giác khi dùng nó cũng chả hạnh phúc hơn so với dùng hàng bình dân hoặc tầm trung. Điều quan trọng nhất vẫn là phù hợp với tổng thể ngoại hình, với hoạt động của bản thân, môi trường tiếp xúc, và sự tiện dụng khi dùng. 

do-hang-hieu

2-3. Nhu Cầu Về Ở

Nơi ở chỉ cần vừa đủ để sinh hoạt và nghỉ ngơi hàng ngày, không mất quá nhiều thời gian công sức để lau dọn. Thuận tiện đi lại hoặc gần gũi thiên nhiên thì càng tốt.

Mua nhà chính là thứ mệt mỏi nhất trong xã hội chúng ta, khiến ta làm việc cật lực nhất và tốn kém nhất. Kể cả với các nước đang phát triển hoặc nước phát triển.

Sự đắt đỏ trong giá cả đã là một vấn đề đau đầu, nhưng sự ganh đua trong ý nghĩ so sánh giữa con người với nhau mới chính là thứ gây đau đầu không kém. Ai cũng muốn có nhà để bằng bạn bằng bè bằng anh bằng chị, rồi đi so nhà ai to hơn, so vật dụng ai xịn hơn, khoe xe ai hàng hiệu hơn v.v… Nó là một cuộc chạy đua kiếm tiền không hồi kết, và không cần thiết.

Quan sát, chúng ta sẽ thấy khi một người thực sự giàu, họ sẽ không khoa trương, ngược lại, họ sống vô cùng đơn giản. Còn những người vẫn cứ suốt ngày chạy theo guồng quay khoe của cải tài sản vật chất, thì họ vẫn còn là con rối của bạc tiền. Dẫu họ có là tỷ phú hay triệu phú, thì trong tư duy, họ vẫn mãi nghèo nàn.

tự do với tiền bạc

Đồ đạc tiền bạc là để sử dụng, sử dụng chúng như thế nào cho hiệu quả nhất trong cuộc sống hàng ngày mới là điều chúng ta cần chiêm nghiệm. Chứ không phải học cách lao vào kiếm tiền để tậu về, để sở hữu, để những thứ đó khẳng định giá trị của ta, để chúng sử dụng ta.

Nhiều người hay bảo “nghèo thì bị khinh”. Ơ hay, tại sao ta lại sợ bị người khác khinh như vậy? Tại sao ta sợ ông hàng xóm bụng phệ khinh? Tại sao ta sợ chị bán trái cây miệng mồm suốt ngày chọc ngoáy chuyện người khác khinh? Tại sao ta sợ người yêu/bạn đời khinh – nếu họ thật sự là người yêu ta và hiểu rõ giá trị của ta?
v.v...

2-4. Nhu Cầu Về Chăm Sóc Y Tế

Một trong những nỗi lo sợ to lớn nhất của con người là nỗi sợ bệnh, sợ chết. Và đó là lý do ngành Bảo Hiểm và Y Tế rất đông khách hàng.

Tây y cần thiết và hữu ích trong nhiều trường hợp xử lý cấp bách. Nhưng về đường dài, thì sự chăm sóc sức khỏe thông qua các phương pháp tự nhiên, qua đông y sẽ giúp điều trị sức khỏe của chúng ta tốt hơn.

- Thứ mà đa số chúng ta sợ hãi nhất chính là ung thư. Và chưa bao giờ ung thư nhiều đến như thế trong thời đại tiến bộ hiện nay. Chúng ta bị ung thư phần lớn thông qua con đường ăn uống. Nên ăn uống healthy là một trong những cách tốt để duy trì sức khỏe lâu dài, ngừa ung thư.

- Vận động cơ thể cũng là cách để ít bệnh tật. Vận động không phải là tập cho cơ thể mệt mỏi quá tải, thấy ai tập sao chúng ta bắt chước tập theo y vậy. Mà chúng ta vừa tham khảo các phương pháp tập, vừa cảm nhận cơ thể chính mình, để biết cách áp dụng các bài tập phù hợp. Tập luyện làm cho cơ thể linh hoạt, dẻo dai, không bị co cứng. Người ở thành thị thường nhiều bệnh hơn người sống ở nông thôn, bởi họ thường xuyên ngồi một chỗ, ít sử dụng cơ thể mà tập trung sử dụng cái đầu.

tập luyện cho cơ thể khỏe mạnh


- Tập hít thở cũng là cách để đưa oxy đi vào khắp các tế bào trong cơ thể. Khi các tế bào đủ oxy, thì khả năng miễn dịch sẽ tốt và ít bị nhiễm bệnh bởi các yếu tố xâm nhập từ bên ngoài. Các bài tập về thiền, về khí công, về yoga hỗ trợ rất tốt cho đường thở.

Không cần thiết cắt bỏ các bộ phận trên cơ thể khi bị bệnh. Nếu Tây y bảo cắt bỏ, hãy quay về phương pháp Đông y, Thực dưỡng… để mà chữa trị, luôn cố gắng mọi cách để giữ lại. Tây y chỉ giúp giải quyết phần ngọn, còn phần gốc thì Đông y là một lựa chọn tốt hơn.

2-5. Nhu Cầu Về Học Hành

Học hành có nhiều con đường, không chỉ một con đường mài đũng quần trên ghế nhà trường. 

Sự Học quan trọng nhất chính là Học để Hiểu, và Học để Hành. Học những điều cao xa, phức tạp mà không thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì chỉ là tốn kém tiền bạc, công sức và thời gian vô ích.

Nếu yêu thích một kĩ năng/một nghề nào đấy, thì bản thân chúng ta (hoặc con cái chúng ta) cứ đi học rồi làm nghề. Học nghề thì không hề khó, học kỹ năng không hề khó. Nhưng "hệ thống chung" đã kéo dài thời gian và phương pháp học không hiệu quả, khiến mỗi người chúng ta phí phạm rất nhiều năm tháng tuổi thơ cuộc đời mình.

Khi có nhiều câu hỏi thắc mắc, thì chúng ta có thể học qua sách. Sách thì rất rẻ, và nội dung cũng sâu sắc hơn trên mạng nhiều.

Học qua quan sát những trải nghiệm của người khác. Ta sẽ thấy họ làm tốt/không tốt điều gì, họ bị dẫn dắt bị điều khiển bởi điều gì... và đối chiếu vào bản thân ta để mà tự đúc rút.

Đặc biệt, sự học tốt nhất chính là cuộc sống, học từ chính trải nghiệm của bản thân. Cái học này ta phải tự mình, nhất quyết không sao chép bắt chước bất kỳ ai!

hạnh phúc giản đơn

GIÀU - NGHÈO THẬT SỰ NẰM Ở ĐÂU?

Nghèo có thể nói nôm na gọi là “sự ít ỏi trong lựa chọn thuận tiện” của một người trong cuộc sống. Kiểu nhiều tiền thì đi xe ô-tô, còn ít tiền thì đi xe buýt (vẫn che mưa nắng được), hoặc đi xe máy, hoặc đi xe đạp v.v... 

Trẻ con cũng nghèo đấy, sao không ai khinh trẻ con? Trẻ con cũng đâu buồn vì sự nghèo tiền của chúng. Mọi người chỉ khinh đứa trẻ khi nhìn vào gia thế giàu - nghèo của bố mẹ của chúng (ấy thuộc kiểu tà kiến của con người). Nếu không biết bố mẹ chúng là ai, thì đa số mọi người vẫn sẽ yêu quý trẻ con.

Hà cũng thích làm việc để kiếm tiền, nhưng với Hà kiếm tiền là niềm vui chứ không phải áp lực. Khi có tiền thì Hà sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống. Nhưng chẳng khi nào Hà khoe ra mình đang sở hữu những gì. Khoe ra chỉ càng làm gia tăng thêm lòng ganh tỵ đố kỵ của người ít tiền hơn mình, và chắc chắn rằng xung quanh còn rất nhiều người nhiều tiền hơn mình nữa, vậy thì khoe với họ làm chi? 

* Sự khoe khoang giàu có của một người thường biểu thị 2 khả năng:

► Một là: người đó tự ti về bản thân nên mới khoe ra để mong được số đông bên ngoài khen ngợi, công nhận. Họ không thể tự công nhận bản thân, nên muốn có một thứ đồ vật bên ngoài giúp họ gia tăng và củng cố thêm giá trị ấy.

► Hai là: họ khoe ra để dụ dỗ người khác. Có thể là dụ tình, hoặc dụ tham gia vào dự án làm ăn. Nếu một người thể hiện rằng bản thân thành công giàu có, và rủ làm ăn thì dễ tạo sự tin tưởng cho con mồi.

tư duy giàu nghèo

- Người nghèo không phải nói đến nghèo vật chất tiền bạc, mà nói đến nghèo trong tư duy. Thu nhập 5tr/tháng vẫn thấy không đủ, 20tr/tháng vẫn không đủ, 200tr/tháng vẫn không đủ… bao nhiêu vẫn không thấy đủ thì chẳng phải nghèo chứ là gì? Nên người càng Tham Lam chính là người đang rất nghèo!

- Người giàu không cố gắng sở hữu thật nhiều, mà thấy ra điều nào cần thiết để sở hữu, điều nào không cần thiết và không gom vào.

- Người giàu không hủy hoại khai thác xung quanh để lấy về cho bản thân, mà là biết khai thác từ bản thân để vun trồng kiến tạo thêm nhiều điều có ích cho xung quanh.

- Người giàu là người thông minh, không hẳn thông minh trong việc kiếm tiền, mà Thông Minh Trong Cách Sử Dụng Đồng Tiền - Làm Chủ Đồng Tiền.

Iu các chị, xx

Bài viết này của LamdepcungHa.com

PS. Các chị đừng quên để lại bình luận bên dưới nhé!

 

Để lại bình luận
(0) bình luận cho Tản Mạn Về Giàu và Nghèo
Về Hà - Liên Hệ

Hà quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, cuộc sống cá nhân như thế nào, tại sao Hà lập website này, liên hệ với Hà như thế nào...

Đăng ký nhận bản tin khuyến mãi
  • NAM
  • NỮ
Kết bạn với hà trên facebook